Skip to content
Phục vụ tậm tân - Gọi ngay: 0904087199

Cơm nấu bằng nồi cơm nội địa Nhật không ngon là do đâu?

24/04/20251 lượt đọc

Không ít người dùng mua nồi cơm nội địa Nhật nhờ những lời khen dành cho chất lượng cơm khi nấu bằng loại nồi này nhưng đến khi trực tiếp sử dụng, cơm lại không thể ngon như họ mong đợi. Nếu bạn đang ở trong tình huống này, có thể bạn đã mắc một số sai lầm khi nấu cơm bằng nồi cơm nội địa Nhật.

Sử dụng chế độ nấu không phù hợp

Một nhược điểm lớn của nồi cơm nội địa Nhật và cũng là nguyên nhân khiến loại nồi này khó sử dụng là vấn đề về ngôn ngữ. Do được thiết kế và sản xuất dành cho người Nhật nên ngôn ngữ trên bảng điều khiển của nồi cơm là hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Hầu hết nồi cơm nội địa Nhật hay nồi cơm Nhật bãi được Việt Nam nhập về là kiểu nồi cao tần, nồi cao tần áp suất với nhiều tính năng khác nhau chứ không phải nồi cơm điện cơ một nút, khiến việc sử dụng càng thêm khó khăn.

Tìm hiểu kỹ chức năng của nồi cơm trước khi dùng
Tìm hiểu kỹ chức năng của nồi cơm trước khi dùng

Một nồi cơm nội địa Nhật cơ bản có thể nấu gạo trắng, nấu gạo lứt, nấu cháo, súp, hấp đồ ăn hay thậm chí là làm bánh. Ngoài ra, bên cạnh tính năng nấu thông thường, nồi còn có thể nấu nhanh, hẹn giờ nấu…Nếu không biết rõ từng chức năng có thể làm những gì, bạn hoặc người thân trong gia đình rất có thể sử dụng sai và tất nhiên chất lượng cơm sau khi nấu sẽ không thể ngon như mong đợi.

Biện pháp khắc phục rào cản về ngôn ngữ này là sử dụng các ứng dụng dịch thuật để dịch các tính năng trên nồi và hướng dẫn sử dụng sang tiếng Việt. Nhưng nếu gia đình bạn có người lớn tuổi thì không phải ai cũng sành về công nghệ để có thể thực hiện thao tác này. Trong trường hợp này, bạn nên hướng dẫn họ về cách sử dụng nồi khi mới mua về và dán chú thích tiếng Việt lên từng chức năng trên bảng điều khiển.

Vo gạo trực tiếp trong lòng nồi

Vo gạo là một bước không thể thiếu trước khi nấu cơm bởi đây là cách giúp loại bỏ sạn và vỏ trấu, đôi khi cả mọt gạo lẫn trong hạt gạo. Thói quen của người dùng Việt Nam là dùng tay vo trực tiếp trong nồi và thường là vo kỹ cho đến khi nước trong suốt. Tuy nhiên, đây không phải là một thói quen thực sự tốt.

Trong lòng nồi có một lớp chống chính để bảo vệ lòng nồi khi ở nhiệt độ cao và để cơm không dính lại bên trong, khiến bạn khó vệ sinh sau này. Khi vo gạo trong lòng nồi, móng tay và hạt gạo sẽ ma sát với lớp chống dính và khiến lớp này dần bị bong tróc và cơm nấu không còn được chín đều như ban đầu.

Một khi lòng nồi đã không còn lớp chống dính, bạn sẽ phải mua lòng nồi mới để sử dụng. Do đó, thay vì vo gạo trong lòng nồi, bạn nên sử dụng một rổ lỗ nhỏ để vo gạo và  đổ gạo vào nồi sau khi đã vo xong.

Ngoài ra, bạn cũng không nên vo quá nhiều lần bởi làm vậy sẽ làm mất đi độ ngọt của gạo sau khi đã thành cơm. Người dùng thường chỉ vo gạo 2 lần là được, không cần vo đến khi trong nước.

Trên một số nồi cơm nội địa Nhật có chế độ 無洗米 hay được biết đến là nấu gạo không cần vo nhờ vào công nghệ hiện đại, tự động loại bỏ những tạp chất trước khi nấu mà không cần qua công đoạn vo thủ công. 

Nguồn gốc của tính năng thú vị này là do nhiều nghiên cứu tại Nhật đã chỉ ra rằng nước vo gạo là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên hàng đầu trong sản xuất đồ gia dụng ở Nhật nên các thiết bị nội địa luôn phải cải tiến để đáp ứng tiêu chuẩn đó. Các nhà sản xuất nồi cơm điện đã ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp người dùng bỏ qua công đoạn này nhưng vẫn đảm bảo gạo được làm sạch trước khi đi vào giai đoạn nấu.

Bạn có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi nhân viên tại địa chỉ bán nồi cơm nội địa Nhật để xác định xem nồi cơm của mình có chế độ 無洗米 hay không.

Tỷ lệ gạo-nước không hợp lý

Quá ít hay quá nhiều nước không chỉ khiến cơm chưa chín, bị khô, nhão, không ngon mà còn ảnh hưởng tới chất lượng của nồi cơm nội địa Nhật. Mỗi gia đình có sở thích ăn uống khác nhau, có nhà thích ăn cơm ướt một chút nhưng có nhà lại chuộng cơm khô. Nhưng cho dù sở thích như nào thì lượng nước để nấu cơm cũng cần phải đạt được đến mức đủ để nấu chín gạo thành cơm.

Cách đong nước được hầu hết người Việt Nam áp dụng là đo bằng đốt ngón tay. Cách làm là đặt ngón tay trỏ lên bề mặt gạo sau khi đã do và đổ nước ngập gạo đến một đốt ngón tay. Khi đó, cơm sẽ chín đều và ngon nhất.

Một cách khác có thể chính xác và dễ dàng hơn là đo theo vạch có sẵn trên lòng nồi cơm nhưng điều kiện để cách đo này hiệu quả là bạn phải sử dụng cốc đong gạo đi kèm với nồi. Cách đo là số lượng cốc gạo bạn lấy sẽ tương ứng mức nước được vạch trên lòng nồi. Hiểu đơn giản thì là lấy 2 cốc gạo thì đổ nước đến vạch số 2, lấy 5 cốc thì vạch số 5 và tương tự.

Sau khi đã đo được mực nước tiêu chuẩn, bạn có thể điều chỉnh nước nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo sở thích gia đình. Nhưng không phải lúc nào việc đo tỷ lệ gạo-nước cũng thực sự chính xác, bất kể bạn dùng cách nào, bởi nó còn phụ thuộc vào loại gạo bạn sử dụng. Có những loại gạo thấm nước hơn thì khi đo cùng một mực nước, cơm dễ bị nhão hơn các loại gạo không thấm nước.

Do đó, để cơm được chín và ngon như bạn mong muốn, bạn có thể sẽ phải nấu thử 1, 2 lần để biết cách nấu phù hợp nhất.

Sử dụng loại gạo không phù hợp

Để cơm ngon thì trước tiên gạo phải ngon. Sử dụng gạo cũ, gạo bị ẩm mốc hoặc kém chất lượng sẽ khiến cơm nấu không thơm và vị cũng không ngon. Ở Việt Nam, một số loại gạo được đánh giá cao có thể kể đến như gạo ST25, ST24, gạo Bắc Hương, gạo Tám thơm, gạo Hương Lài…Nhưng gạo như nào là ngon và hợp khẩu vị với bạn thì bạn phải thử nhiều loại gạo khác nhau mới có thể xác định được.

Cơm ngon còn là nhờ gạo
Cơm ngon còn là nhờ gạo

Có một điểm nữa bạn cần lưu ý về gạo là nồi cơm điện Nhật Bản thường được thiết kế cho gạo hạt ngắn hoặc hạt vừa - loại gạo phổ biến tại Nhật Bản. Sử dụng gạo hạt dài hoặc các loại khác có thể không mang lại hương vị tốt nhất khi nấu bằng nồi cơm Nhật.

Ăn ngay khi cơm vừa chín

Khi cơm vừa chín, hơi nước bên trong hạt cơm chưa kịp phân bố đều, dẫn đến một số hạt còn hơi cứng hoặc quá ướt. Hơn nữa, nếu mở nồi ngay sau khi cơm chín, hơi nóng thoát ra nhanh có thể làm bề mặt cơm bị khô, trong khi bên trong vẫn còn hơi ẩm nên sẽ không được ngon. Một số loại gạo, đặc biệt là gạo dẻo như Koshihikari của Nhật hay ST25, cũng cần thời gian ủ để hạt cơm nở hết, đạt độ dẻo và ngọt tự nhiên.

Sau khi nồi cơm thông báo kết thúc quá trình nấu, bạn nên để nguyên nắp đóng trong 10–15 phút để cơm ủ hơi và thoát hơi nước hoàn toàn.

5/5 (1 bầu chọn)